Tuần qua, giá vàng tăng 1,8 triệu đồng/lượng
Tại thị trường trong nước, giá vàng trong tuần tiếp tục tăng mạnh, ghi nhận từ 1,5 triệu đến 1,8 triệu đồng/lượng. Trong bối cảnh giá vàng thế giới cũng đã tăng thêm gần 90 USD/ounce, sau động thái cắt giảm lãi suất khẩn cấp của Fed.
Sau một ngày đứng im vào hôm qua, giá vàng SJC mở cửa phiên sáng nay ngày 8/3 tại Hà Nội vẫn tiếp tục không có sự thay đổi nào đáng kể. Hiện giá vàng hôm nay tại các đại lý SJC niêm yết ở mức 46,80 – 47,32 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trong khi đó, tại thị trường TP. HCM, giá vàng SJC hiện đang niêm yết ở mức 46,80 – 47,30 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Như vậy, theo con số thống kê thị trường vàng trong nước tuần qua, giá vàng SJC đã tăng 1,8 triệu đồng/lượng chiều mua vào, và 1,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác như Bảo Tín Minh Châu với thương hiệu vàng Rồng Thăng Long tính đến đầu giờ sáng nay giá vàng cũng chưa có thay đổi nào so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 46,68 – 47,68 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ đã tăng 1,3 USD lên 1.673,1 USD/ounce. Trong khi đó giá vàng tương lai giao tháng 4 sáng nay tăng 6,2 USD lên 1.674,2 USD/ounce.
Trong tuần qua, giá vàng thế giới giao ngay vọt 87,6 USD/ounce, tăng tương ứng +5,52%. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 tăng gần 7%, mức tăng trong tuần cao nhất trong 11 năm qua. Theo các chuyên gia kinh tế, điều này chủ yếu do ảnh hưởng từ động thái bất ngờ cắt giảm lãi suất khẩn cấp của Fed.
Đặc biệt, giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu có thời điểm tăng rất mạnh chạm 1.690 USD/ounce. Nhưng với thông tin nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 273.000 việc làm mới trong tháng 2/2020, cao hơn rất nhiều so với con số dự báo là 165.000, đã khiến giá vàng nhanh chóng hạ nhiệt và chỉ còn tăng nhẹ sau khi đóng cửa phiên.
Mặc dù vậy, theo giới phân tích, vàng vẫn sẽ là tài sản an toàn, phòng ngừa rủi ro tài chính trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng trung ương có thể nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế do ảnh hưởng quá lớn của dịch bệnh Covid 19 đang lan nhanh toàn cầu, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, kinh tế tại rất nhiều quốc gia trên thế giới.