Khám phá nguồn gốc và ý nghĩa ngày vía Thần Tài
Ngày vía Thần Tài ai cũng biết là ngày mọi người đổ xô đi mua vàng tích trữ để cầu may, như một tục lệ trong năm mà những ai theo tín ngưỡng và dân làm ăn đều thực hiện. Tuy nhiên, nhiều người chưa hiểu rõ về ngày vía Thần Tài, hãy cùng Giavang24h Khám phá nguồn gốc và ý nghĩa ngày vía Thần Tài nhé!
Nguồn gốc ngày vía Thần Tài
Thần Tài là một vị thần trong tín ngưỡng phương Đông, người đảm nhiệm việc trông coi tiền tài cho gia chủ. Ngày vía Thần Tài là ngày người dân chọn ra để cúng vị Thần này với mong muốn được người được phù hộ độ trì cho công việc làm ăn, đồng hành cùng gia chủ trên con đường thăng tiến, được thành công.
Ngày mùng 10 âm lịch hàng tháng được chọn làm ngày Thần Tài. Song ngày quan trọng nhất vẫn là ngày 10 tháng Giêng, vì đây là ngày Thần Tài đầu tiên của năm mới. Tục thờ Thần Tài xuất xứ từ Trung Quốc, du nhập về Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ 20. Những người tin vào Thần Tài sẽ chuẩn bị cúng kiếng trong ngày này để cầu mong Thần Tài phù hộ cho gia chủ.
Sự tích về Thần Tài
Thần Tài là vị thần cai quản tiền bạc và của cải. Có rất nhiều sự tích kể về Thần Tài, trong đó câu chuyện kể về Triệu Công Minh, người đã giúp Khương Tử Nha đánh Trụ Vương được biết đến nhiều nhất.
Chuyện xưa kể rằng sau khi tử trận, Triệu Công Minh được phong làm Chính Nhất Long Hồ Huyền chân quân, thống lĩnh bốn vị thần trên trời là Chiêu Bảo – Nạp Trân – Chiêu Tài – Lợi Thị. Dân gian còn gọi ông là Tài Bạch Tinh Quân hay Thần Tài. Ông được giao cho giữ chức vụ cai quản tiền bạc, của cải. Cũng với lý do đó từ xa xưa, mọi người thường thờ cúng Thần Tài để cầu mong tài lộc, may mắn sẽ đến với họ.
Theo một tích truyện khác, trong một lần say rượu, vị Thần Tài trên thiên giới lỡ chân ngã xuống trần gian và bị mất trí nhớ, quên mất mình là ai. Ông sống lang thang ở trần gian và đi ăn xin để sống qua ngày. Một ngày ông gặp được một vị chủ quán tốt bụng mời vào và ăn một bữa thịnh soạn. Quán đang rất vắng khách nhưng khi Thần Tài bước vào ngồi ăn thì bỗng dưng khách ra vào tấp nập. Từ đó ông chủ quán giữ ông lão ở lại để việc làm ăn được thuận lợi hơn.
Sau một thời gian vị Thần Tài bắt đầu nhớ lại được mọi chuyện và bay về trời. Ngày ông bay về trời là ngày mùng 10, vì thế mà dân gian xem ngày 10 hàng tháng là ngày Thần Tài.
Cũng có câu chuyện kể rằng có một người lái buôn người Trung Hoa tên là Âu Minh khi đi qua hồ Thanh Thảo tình cờ gặp Thủy Thần, được Thủy Thần ban cho một người gia nhân tên là Như Nguyện. Từ ngày đem Như Nguyện về làm gia nhân trong nhà, công việc làm ăn của Âu Minh mỗi ngày một phát đạt.
Tuy nhiên có một lần vào ngày Tết, vì một lý do nào đó, Âu Minh đánh Như Nguyện. Như Nguyện quá sợ hãi bèn chui vào đống rác và biến mất. Từ đó, Âu Minh làm ăn thua lỗ, chẳng mấy chốc trở nên nghèo xác sơ. Từ đố ông nhận ra Như Nguyện là người mang lại may mắn, mọi người xem như là Thần Tài và lập bàn thờ Như Nguyện. Theo điển tích này, có một tục khác được lưu truyền là trong 3 ngày Tết nên kiêng quét nhà, hốt rác vì sợ làm mất Thần Tài ẩn trong đống rác.
Ý nghĩa ngày vía Thần Tài
Sự tích về Thần Tài được lưu truyền qua nhiều đời dân gian và ngấm vào quan niệm của nhiều người, trở thành một tín ngưỡng dân gian. Cứ vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, nhiều gia đình, đặc biệt là những người làm kinh doanh lại đi sắm lễ vật để cúng lấy vía Thần Tài để cầu xin làm ăn thuận lợi, phát đạt, thịnh vượng về tài lộc trong cả năm.
Ngày nay, mỗi khi tới ngày vía Thần Tài đầu năm, mọi người thường đổ xô đi mua giá vàng để cúng, có lẽ do vàng là biểu trưng của việc “có của ăn của để”.